Trong hệ thống văn bản về
quản lí, xây dựng và phát triển CTĐT thường dùng thuật ngữ chuẩn đầu ra. Chuẩn
đầu ra là sự cụ thể hóa mục tiêu của CTĐT. Chuẩn đầu ra cho người học tốt nghiệp
các CTĐT mỗi bậc học của một cơ sở giáo dục (được gọi tắt là “Chuẩn đầu ra”) là
quy định của cơ sở giáo dục về phẩm chất và năng lực mà người học phải đạt được
sau khi tốt nghiệp các ngành đào tạo tương ứng. Chuẩn đầu ra thể hiện phẩm chất
và năng lực của người tốt nghiệp các ngành đào tào theo các tiêu chí cụ thể sau:
(1) Kiến thức; (2) Kĩ năng; (3) Thái độ; (4) Vị trí, khả năng công tác và khả
năng học tập nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp. Đối với môn học/mô đun cụ thể,
chuẩn đầu ra chính là “chuẩn kiến thức, kĩ năng” của môn học, học phần hay mô đun
trong giáo dục nghề nghiệp. Chuẩn đầu ra của môn học được xây dựng dựa trên mục
tiêu hay chuẩn đầu ra của khóa đào tạo và phân tích điều kiện dạy học cụ thể.
Chương trình đào tạo được thiết kế theo tiếp cận mục tiêu hay đầu ra là chương trình mô tả mục tiêu hay chuẩn đầu ra một cách rõ ràng, cụ thể, có thể định lượng được để là cơ sở đánh giá. Thực chất của cách tiếp cận này là chương trình dựa trên mục tiêu để xây dựng chương trình dạy học. Hay nói cách khác là chương trình dạy học qui định mục tiêu dạy học. Theo cách tiếp cận này, người ta quan tâm tới những thay đổi được mong đợi về năng lực hành động thực tiễn, nhận thức và thái độ ở người học do quá trình dạy học mang lại, sau khi kết thúc chương trình học. Câu hỏi ở đây là đầu vào và đầu ra của QTDH là gì? Vì vậy, CTĐT phải thể hiện rõ mục tiêu dạy học dưới dạng đầu ra đã xác định trước của quá trình dạy học. Mục tiêu dạy học phải được xây dựng rõ ràng sao cho có thể định lượng được và dùng nó làm tiêu chí để đánh giá hiệu quả của quá trình dạy học. Dựa vào mục tiêu dạy học trong chương trình, người thực hiện chương trình có thể đề ra nội dung kiến thức, phương pháp giảng dạy cần thực hiện để đạt được mục tiêu đề ra và phương pháp đánh giá thích hợp theo các mục tiêu dạy học. Mục tiêu dạy học cũng là chuẩn để đánh giá kết quả học tập. Với cách tiếp cận mục tiêu, người ta dễ dàng chuẩn hóa quy trình xây dựng chương trình và quy trình đào tạo theo một công nghệ. Ưu điểm của chương trình theo cách tiếp cận mục tiêu: Mục tiêu dạy học cụ thể và chi tiết thuận lợi cho việc đánh giá hiệu quả và chất lượng chương trình đào tạo. Người học và người dạy biết rõ cần phải học và dạy như thế nào để đạt được mục tiêu. Cho phép xác định các hình thức đánh giá kết quả học tập của người học. Đối với cách xây dựng chương trình theo cách tiếp cận mục tiêu, điều quan trọng đầu tiên là xác định rõ mục tiêu dạy học. Tạo điều kiện quản lý chất lượng theo kết quả đầu ra đã quy định, nhấn mạnh năng lực vận dụng của HS.
Vui lòng xem Video Clip tại đây:
https://www.youtube.com/watch?v=vLhxaH9_GRE
Nhận xét
Đăng nhận xét