Thực chất của quá trình dạy
học là quá trình tổ chức các hoạt động nhận thức và tâm vận của người học hướng
tới chiếm lĩnh các đối tượng hoạt động khác nhau gồm hệ thống tri thức, kỹ năng
và kinh nghiệm mà nhân loại đã tích luỹ được qua những bài học, môn học, chương
trình đào tạo,...
Khi con người hướng vào đối
tượng hoạt động thì nhu cầu vốn tiềm tàng được hiện thực hóa. Đối tượng sẽ kích
thích chủ thể, vươn tới chiếm lĩnh và trở thành động cơ thúc đẩy hoạt động. Sự
hình thành động cơ phụ thuộc vào nội dung của đối tượng và hệ thống nội dung
này càng phong phú, sâu rộng, hấp dẫn chủ thể thì động cơ hoạt động càng mạnh mẽ.
Ngược lại, nội dung của đối tượng nghèo nàn thì ít hấp dẫn chủ thể tích cực hoạt
động. Khi đó người ta phải dùng những kích thích nằm ngoài đối tượng để tích cực
hóa hoạt động.
Trong GDNN, điều có ý
nghĩa quyết định là việc nắm vững các kỹ năng vận động và các kỹ năng cảm giác
(thị giác, thính giác, xúc giác), thích ứng với sự biến đổi bằng cách lập kế hoạch
và tổ chức lao động, kiểm tra diễn biến của quá trình lao động, khắc phục tình
trạng chậm trễ và hỏng hóc xảy ra.
Trong tâm lý học lao động
và giáo dục, trước đây và cả trong một thời gian dài, người ta chưa chú ý đúng
mức tới quá trình này, mặc dù chúng có ý nghĩa quyết định. Vận dụng lý thuyết
trên vào hoạt động giáo dục tức là phải coi người học là chủ thể của mọi hoạt động
học tập (học lý thuyết, thực hành, thực tập sản xuất, các hoạt động văn hóa, xã
hội,...).
GV cần phải xây dựng nội
dung hoạt động đáp ứng yêu cầu của mục tiêu dạy học và thể hiện chúng thành hệ
thống những nhiệm vụ (bài toán) cụ thể giúp cho việc tổ chức hoạt động của người
học thực sự có kết quả. Việc cụ thể hóa mô hình hoạt động chung vào từng môn học,
mô đun cụ thể, từng hoạt động đặc thù là nhiệm vụ của mỗi GV.
Trong từng bài dạy, người
dạy gắn kết mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học, phương tiện dạy học, hình
thức tổ chức dạy học và việc kiểm tra – đánh giá. Dạy học là 1 quá trình và người
học hiện nay là chủ thể của quá trình đó.
Trong lĩnh vực GDNN, hoạt
động của người dạy và người học cần phải rõ ràng, cụ thể, logic, tương ứng, gắn
kết. Dạy học để giải quyết các công việc của 1 nghề, để có được kỹ năng nghề và
để áp dụng vào trong công việc thực tế của doanh nghiệp. Những vấn đề chung
chung, mơ hồ, chưa được kiểm chứng,…không đưa vào giảng dạy trong lĩnh vực Giáo
dục nghề nghiệp.
Vui lòng xem Video Clip tại đây:
https://www.youtube.com/watch?v=iFLRXROoKUA&t=48s
Nhận xét
Đăng nhận xét